Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Myanmar thả tù chính trị và chặng đường dài độc lập tự cường

(Toquoc)-Myanmar ân xá hơn 70 tù chính trị, tiếp tục củng cố tiến trình cải cách, thoát khỏi sự đô hộ kiểu mới của Trung Quốc.Ngày 23/7, chính quyền Myanmar đã trả tự do cho khoảng 73 tù nhân chính trị, sau khi Tổng thống Thein Sein tuyên bố tại London khi thăm Anh đầu tháng vừa rồi thả toàn bộ các nhân vật bất đồng chính kiến trước cuối năm nay.Có rất nhiều lý do đằng sau quyết định thả tù chính trị lần này của Tổng thống Myanmar U Thein Sein.Chính quyền Thein Sein vẫn cần củng cố tiến trình cải cách đã được tiến hành 2 năm qua. Ông Thein Sein cần tranh thủ các lực lượng đối lập trong nước với nhiều khuynh hướng và động cơ chính trị khác nhau, nhằm tạo ra một cấu trúc đa nguyên chính trị cần thiết.Trong số tù nhân chính trị được trả tự do lần này có một số phiến quân sắc tộc thiểu số thuộc bang Kachin ở phía Bắc, nơi chính phủ Myanmar đang nỗ lực xúc tiến đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Cuối tháng 5 vừa rồi, chính phủ Myanmar và Tổ chức Độc lập Kachin (KIO), cánh chính trị của Quân đội Giải phóng Kachin (KIA), đã nối lại các cuộc đàm phán hòa bình tại thủ phủ Myitkyina của bang Kachin thuộc cực Bắc Myanmar. Đây là lần đầu tiên chính phủ nước này và phiến quân Kachin tiến hành hòa đàm ở trong nước. Các vòng đàm phán trước diễn ra tại Thái Lan (20/2) và Trung Quốc (4/2 và 12/3).


Phiến quân Myanmar tại bang Wa được Trung Quốc trang bị máy bay trực thăng

Một hiệp định hòa bình tạm thời giữa chính phủ với phiến quân Kachin đã ký kết, được xem là một sự đột phá sau những vụ giao tranh ác liệt hồi gần đây dọc theo biên giới giáp với Trung Quốc. Thỏa hiệp này là một trong các thỏa thuận cuối cùng với các nhóm sắc tộc vũ trang, làm gia tăng mối hy vọng về một nền hòa bình trên cả nước.Từ khi lên nắm quyền cai trị từ tay giới quân nhân vào năm 2011 tới nay, Tổng thống Thein Sein đã ký các thỏa thuận để chấm dứt giao tranh với nhiều tổ chức phiến quân sắc tộc thiểu số.Lần này, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán những điều khoản chính trị, giữa lúc các nghi kỵ vẫn tồn tại giữa chính phủ và các nhóm phiến quân, bao gồmKIO. Để có hòa bình và ổn định lâu dài, chính phủ Myanmar cần đạt được các thỏa thuận bền vững, dù đó là mục tiêu khó khăn.Đợt thả tù chính trị lần này còn là món quà của chính quyềnThein Sein dành cho phương Tây đã căn bản xóa bỏ cấm vẫn, nhưng vẫn gây sức ép để duy trì và củng cố tiến trình dân chủ hóa mới ở giai đoạn đầu.Chính quyền Thein Sein vẫn cần phương Tây hỗ trợ về chính trị, kinh tế và tinh thần. Tổng thống Thein Sein được giới quân sự trao quyền điều hành đất nước nhằm đưa Myanmar thoát khỏi bao vây cấm vận kéo dài 20 năm, đẩy nước này vào vòng tay Trung Quốc. Sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc đe dọa nền độc lập tự chủ của Myanmar, một đất nước vốn có truyền thống độc lập về chính trị, những năm 50-60 của thế kỷ trước từng là ngôi sao sáng của châu Á đang vươn dậy rũ bỏ sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân.Nhưng nền độc tài quân sự ở Myanmar đã đẩy đất nước này vào thế biệt lập, cô lập và chịu sự đô hộ kiểu mới của Trung Quốc trước hết là kinh tế. Đế quốc Trung Hoa từng duy trì một hệ thống chư hầu, triều cống từ các nước láng giềng cận biên mà họ gọi là “phiên dậu”. Từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa, họ cần thị trường. Myanmar cũng như các nước láng giềng cận biên đều trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Trực tiếp hoặc gián tiếp, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đè bẹp các ngành công nghiệp của các nước láng giềng. Trừ những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đã vươn lên ở trình độ cao hơn về công nghệ so với Trung Quốc trong nấc thang phân công lao động quốc tế.

Myanmar hẳn nhìn thấy tấm gương của Cưrơgưxtan, một nước láng giềng của Trung Quốc ở Trung Á, mà theo báo Độc Lập (Nga), đang đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc đồng hóa. Cứ mỗi năm, sự hiện diện của Trung Quốc trong nền kinh tế Cưrơgưxtan càng rõ nét hơn. Nguy cơ bành trướng của Trung Quốc không chỉ là lời nói suông. Số công dân Trung Quốc ở Cưrơgưxtan tăng lên hàng năm, hiện có khoảng 80.000-300.000 người Trung Quốc trong tổng số 6 triệu người Cưrơgưxtan. Về mặt chính thức, người Trung Quốc khó có thể được trao quy chế công dân Cưrơgưxtan, tuy nhiên vấn đề này được giải quyết hoặc bằng các khoản hối lộ, hoặc thông qua hôn nhân, dần dần thay đổi huyết thống di truyền.

Từ khi Myanmar tiến hành tiến trình cải cách, Tổng thống Thein Sein là quan chức cao cấp duy nhất của Myanmar thăm Bắc Kinh một lần sau khi nhậm chức. Còn Trung Quốc năm nào cũng cử vài đoàn lãnh đạo cao cấp thăm Myanmar.Ngay thời điểm này, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đang ở thăm thủ đô Nay Pyi Taw, trong chuyến xuất ngoại đầu tiên từ khi ông này lên nhậm chức. Đằng sau những lời hoa mỹ về tình hữu nghị truyền thống là nỗ lực của Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ và phương Tây tại quốc gia nằm ở cửa ngõ tây nam của Trung Quốc.

Myanmar vẫn đang chịu một kiểu “thập diện mai phục” từ phía Trung Quốc. Nổi bật là các mối liên hệ chặt chẽ với phiến quân gốc Hoa được Trung Quốc trang bị vũ khí, kể cả máy bay trực thăng; tham gia điều tiết tiến trình đàm phán hòa bình hoặc xung đột giữa các nhóm phiến quân với chính phủ trung ương; sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc, trong đó có thệ thống đường bộ và đường ống dầu khí từ Vân Nam chạy xuyên qua Myanmar; các mối liên hệ với giới tướng lĩnh không muốn từ bỏ các đặc quyền trong tiến trình cải cách...

Chính quyền Myanmar cần sự hiện diện của phương Tây để đối trọng lại ảnh hưởng lớn của Trung Quốc. Cải cách và dân chủ hóa là một trong các lối thoát của người Myanmar khỏi sự lệ thuộc nước ngoài.

Việc thả “tù chính trị” chỉ là một động thái nhỏ trong bức tranh lớn về tự cường và độc lập dân tộc Myanmar. Xem ra quốc gia vừa ra khỏi sự ẩn dật này còn phải đi một chặng đường dài nữa để thiết lập được sự cân bằng quyền lực trong nước dựa trên đa dạng hóa quan hệ chính trị-kinh tế quốc tế./.

Người bình luận


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét